Làm gì khi bé biếng ăn
Trẻ biếng ăn đang làm “điên đầu” không ít ông bố bà mẹ. BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, hiện nay tỷ lệ phụ huynh đưa con đi khám về chứng biếng ăn ở bệnh viện rất cao. Tuy nhiên chỉ có 10% mới phải can thiệp còn lại đều do tâm lý. Vậy cần phải hiểu thế nào và làm gì khi trẻ biếng ăn?
Theo BS Hoàng Lê Phúc, tình trạng trẻ biếng ăn đang ngày càng trở lên phổ biến, do đó hàng ngày tại bệnh viện có rất nhiều bậc cha mẹ đưa con em đi khám. Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi cho thấy, chỉ có khoảng 10% số em đưa đến mới cần phải can thiệp, còn lại đều chưa phải là biếng ăn mà là ta chưa biết cách cho trẻ ăn.
Biếng ăn có hai nguyên do: Do tâm lý và bệnh lý. Thông thường người nuôi con luôn kỳ vọng là con mình phải ăn thật nhiều, phải to béo, khỏe mạnh nhưng tới bữa trẻ lại biếng ăn, chán ăn, ngậm thức ăn, chỉ ăn vài miếng thậm chí bỏ ăn thì đây là chuyện bình thường, trong y khoa gọi là “chán ăn nhũ nhi hoặc chán ăn do tâm lý”.
Nhiều bậc phụ huynh chưa biết rằng, trong chuyện trẻ biếng ăn là do sai lầm trong nuôi dưỡng. Trẻ nhỏ khi sinh ra cần phải có thời gian để thích nghi, có thời gian cho sự trưởng thành của đường tiêu hóa, hệ miễn dịch, tim mạch, não... Khi trẻ phát triển kỹ năng này người mẹ phải nhận biết được vì nó đều liên quan đến việc thích ăn hay không của trẻ.
Tham khảo thêm Mẹo vặt trị biếng ăn ở trẻ
Tham khảo thêm Mẹo vặt trị biếng ăn ở trẻ
Khi sinh ra là trẻ biết bú, nhưng khi cho thức ăn cứng là trẻ lè hoặc ọe ra. Bình thường, từ 4- 8 tháng là trẻ ăn dặm được và định vị được thức ăn, 12 tháng là trẻ biết nhai. Do đó, nếu cho trẻ ăn sớm quá khi hệ tiêu hóa còn non nớt sẽ không tiêu hóa được làm trẻ ngán ăn. Để trẻ không chán ăn thì cha mẹ không ép trẻ ăn thực phẩm không phù hợp, cho ăn thức ăn mới (đổi món, khẩu vị thường xuyên).
Nhiều phụ huynh cứ chờ cho con ngán ăn mới đổi món thì trẻ đã có cảm giác chán ăn trước đó rồi. Thông thường, một bữa ăn của trẻ tốt nhất là 20 phút, chậm nhất là 30- 45 phút. Khi sơ sinh trẻ đói hoặc khát cũng khóc, nhưng lúc trẻ vừa ăn mà khóc lại cho ăn tiếp (thay vì cho uống) sẽ làm trẻ rối loạn điều chỉnh trạng thái mà tạo ra sự biếng ăn, ác cảm thức ăn. Do đó, cách tốt nhất là từ nhỏ không lên ép trẻ ăn.
Còn TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý học (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng: Biếng ăn không là gì ghê gớm cả, hiện tỷ lệ trẻ biếng ăn là 38,2%, rất biếng ăn 16,3%, biếng ăn vừa phải 32,6%, biếng ăn ít 12,7% và không biếng ăn 0%. Phổ biến nhất là trẻ biếng ăn do ảnh hưởng các yếu tố tâm lý từ môi trường xung quanh hay từ người nuôi dưỡng. Biểu hiện của biếng ăn do tâm lý ở trẻ từ 1- 6 tuổi là: Một bữa ăn kéo dài hơn 30 phút, số lượng thực phẩm ăn ít hơn so với trẻ cùng tuổi, không thay đổi món thường xuyên, trẻ không “hợp tác” khi ăn.
Theo TS Sơn, để giúp trẻ ăn uống dễ dàng, người cho ăn cần điều chỉnh cách thức chuẩn bị, chế biến và bài trí thức ăn cho phù hợp sở thích và khẩu vị của trẻ. Tùy thuộc tuổi mà chế biến thức ăn khác nhau, tìm “khoái khẩu” cho trẻ để chế biến. Bên cạnh đó, không ép trẻ ăn, không la mắng đánh đập... Nếu được thì tổ chức cho trẻ ăn theo hình thức thi đua xem ai ăn nhanh hơn (nhiều trẻ tụ tập lại cùng ăn), chọn chén, bát, ly tách có hình thù ngộ nghĩnh cũng làm trẻ thích ăn.
TS Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, việc cho ăn quá nhiều, không khoa học, không hợp lý sẽ khiến trẻ có thể bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Do đó, khi trẻ có những dấu hiệu như chậm lớn, chậm lên cân, biếng ăn hay quấy khóc về đêm, ít ngủ hoặc ra nhiều mồ hôi, rụng tóc thì cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn thức ăn đặc thù cho trẻ biếng ăn.
0 comments: