Chế độ ăn uống cho trẻ trong ngày hè

che do an uong cua tre trong ngay he
Mùa hè lại là thời điểm khiến trẻ mệt mỏi và dễ mắc các loại bệnh, nhất là những trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Điều này khiến không ít cha mẹ lo lắng. Một chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp các bé khỏe mạnh và chóng lớn.

Những gợi ý dưới đây sẽ giúp các mẹ lựa chọn thực đơn cho trẻ một cách dễ dàng, khoa học hơn.


1. Các nhóm thực phẩm cần cho bé

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trung bình trẻ cần bổ sung từ 50 - 60 dưỡng chất khác nhau. Vì vậy trong chế độ ăn của trẻ, mẹ nên cung cấp đầy đủ dưỡng chất để trẻ khỏe mạnh, nhanh lớn. Các nhóm thức ăn nên bổ sung đầy đủ cho trẻ bao gồm: tinh bột, chất đạm, sắt, chất xơ. Các mẹ cần chú ý đến những thực phẩm giàu các chất này để lựa chọn cho bé.

2. Chế độ ăn uống

Mùa hè, thời tiết oi bức nên dinh dưỡng hợp lý cho trẻ cần mát để giúp giải nhiệt cho cơ thể. Hãy cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt (như: rau dền, rau muống, bí… ). Bữa ăn của bé cần chia nhỏ và nên có canh… Cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn phụ bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan…

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn sữa chua 1-2 cốc/ ngày để giúp tiêu hoá tốt và uống thêm 400- 500ml sữa/ngày. Có thể uống sữa tươi, sữa bột nguyên kem.

3. Cách chế biến

Để bé ăn ngon miệng hơn, quan trọng là cách chế biến. Các mẹ nên chế biến các món canh vừa mát vừa bổ mà lại dễ ăn như canh cua mồng tơi, mướp, rau đay hay canh chua nấu thịt băm với sấu hoặc me, hạn chế các món xào rán khó ăn trong mùa hè. Điều này giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé.

Ngoài ra, các mẹ nên chú ý tạo màu sắc và mùi vị thức ăn sinh động để hấp dẫn khẩu vị các bé.

4. Chú ý bổ sung nước

Thời tiết mùa hè nóng nực khiến trẻ ra rất nhiều mồ hôi, dẫn đến thiếu nước. Vì vậy, các mẹ nên cho trẻ uống nước thường xuyên (kể cả khi trẻ không đòi), lượng nước đủ là khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày. Thức uống có giá trị dinh dưỡng mẹ nên cho con uống như: sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống, sinh tố, nước ép trái cây.

Đối với các trẻ lớn nên chế biến các món ăn có nhiều nước như: Cháo, súp, bún, mỳ, phở, cho trẻ ăn thêm vào các bữa phụ khi mà trẻ ăn ít cơm. Ngoài ra, các mẹ cũng nên chuẩn bị sẵn sinh tố, nước hoa quả, sữa chua, sữa tươi trong tủ để trẻ có thể ăn bất kỳ lúc nào chúng muốn.

5. Bổ sung các nguồn cung cấp vitamin

Mùa hè, cơ thể trẻ vẫn có thể bị thiếu vitamin. Với sự thất thoát nhiệt lượng và chất điện giải thông qua mồ hôi, bài tiết thì các khoáng chất và vitamin cũng mất đi. Đặc biệt là các vitamin B1, B2, B6, C và PP rất nhanh chóng bị mất. Trẻ có thể mải mê, ham chơi mà quên mất ăn nhẹ hay uống nước khiến chúng dễ bị cảm, mệt và suy giảm miễn dịch.

Trái cây là một trong những nguồn cung cấp khá nhiều vitamin và dưỡng chất, chất xơ cho trẻ và giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống được các bệnh mùa hè. Những loại quả như dưa hấu, dâu tây, bơ, đu đủ hay dứa... rất phổ biến trong mùa hè mà lại tốt cho sức khỏe của bé. Các mẹ có thể bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày cho con.

Những cấm kỵ khi cho trẻ ăn uống trong mùa hè:

  • Không nên cho trẻ ăn những món quá mặn vì thận sẽ bị ảnh hưởng, trẻ sẽ khát nước.
  • Không cho trẻ ăn những món có nhiều loại gia vị cay nóng: ớt, tiêu, gừng... không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
  • Những thực phẩm và đồ uống như trà, cà phê cũng không nên cho trẻ sử dụng.
  • Không nên lưu trữ thức ăn của trẻ quá lâu, bởi thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn trong mùa hè, ôi thiu - rất nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
  • Không cho bé ăn nhiều kem vì sẽ làm niêm mạc miệng bé bị tổn thương, dẫn đến mắc những bệnh về đường hô hấp.
Xem thêm Các giai đoạn phát triển của trẻ 6 - 9 tháng tuổi
Theo Tri thức trẻ

0 comments: